
Người trẻ – họ được ví như “”tỷ phú thời gian”, “những đôi chân không mỏi””…bởi có lẽ điều họ có nhiều nhất chính là sức khỏe và thời gian. Thế nhưng, chúng ta luôn thấy một phần nhỏ trong số đó nhìn thì có vẻ vô cùng nỗ lực học tập, làm việc, vậy mà thành tích thì không bao giờ thấy tiến bộ. Phải chăng họ chỉ đang đang “nỗ lực ảo”?
Quay lại dạo thời gian gần đây, có một câu nói khá “hot”: Có làm thì mới có ăn. Đây được xem là câu nói khá thực tế trong xã hội hiện đại và dưới áp lực cạnh tranh của thời đại công nghệ kỹ thuật số, con người cần phải lao động nhiều hơn để tạo ra giá trị. Mặc dù ta nhận thức được việc phải luôn phát triển bản thân, phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhưng ta thường thoả mãn dễ dàng và dừng lại ở những hành động khởi đầu cho công cuộc thay đổi, hay đó còn gọi là “Nỗ lực ảo”. Và liệu bạn có đang rơi vào các dấu hiệu của bệnh “Nỗ lực ảo” này không?
1️. Đọc theo trào lưu
Bạn mua sách theo phong trào. Thực tế, bạn mua về rất nhiều, nhưng chẳng mấy khi đụng đến, hoặc chỉ đọc được vài trang là lăn ra chìm vào giấc mộng đẹp cùng quyển sách nằm trên người. Vậy là tri thức chất đầy trong nhà bạn, nhưng chỉ có một ít là vào được đầu bạn.

2️. Ôm đồm kiến thức
Khi công nghệ ngày càng phát triển, người dùng chỉ cần lên mạng là có thể xem và tải bất kỳ thông tin nào mà bạn muốn lưu trữ. Điều thú vị ở đây là, vì nó quá tiện lợi nên bộ nhớ điện thoại hay bookmarks trên laptop luôn ngập tràn bài viết hay, thông tin hữu ích… nhưng bạn còn nhớ được gì hoặc đã áp dụng được gì từ những thông tin mà mình cất giữ như viện bảo tàng ấy?

3️. Yên tâm tạm bợ
Việc tham gia hội nhóm, diễn đàn là một cách hay để giao lưu, trao đổi những thông tin hữu ích. Bạn sẽ thường thấy các bài viết mời gọi tham gia sự kiện, hoặc đăng ký thông tin để nhận tài liệu. Rất hấp dẫn, tưởng chừng nếu mình không làm điều này sẽ lỡ mất báu vật, và bạn lựa chọn đăng ký. Lúc này bạn cảm thấy yên tâm vì không để lỡ cơ hội phát triển bản thân, tự nhủ sẽ dành thời gian để bắt tay vào nghiên cứu nhưng rồi cũng đi vào dĩ vãng…

4️. Quyết tâm học hết
Thiếu chỗ nào, bù chỗ đó. Với thời buổi các khóa học online bắt đầu xuất hiện dày đặc để bù đắp mọi kỹ năng cho người tham gia với một mức giá hời. Bạn quyết định trở thành một con người thành công sau khi học xong, nhưng bạn quên mất “sức ì” của bản thân mình cộng với áp lực từ vòng xoáy và gia đình công việc. Để rồi khóa học 10 buổi, bạn tham gia được vài buổi, đến buổi kế tiếp vì một vài lý do, bạn kéo dài chúng ra vài tháng, thậm chí là vài năm cũng chưa học xong.

Vậy làm thế nào để nào để khắc phục tình trạng “nỗ lực ảo” nan giải này?
Khi bạn đặt mục tiêu, bạn chưa đặt ra kế hoạch chi tiết và hợp lý, phù hợp với khả năng cũng như thời gian của bạn. Lúc đó, hãy chia nhỏ mục tiêu lớn thành mục tiêu nhỏ (hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng) và cũng đừng đặt mục tiêu quá tầm với, khả năng thực hiện của mình. Không ai có thể vừa chạy vừa sống mãi được, nếu bạn quá bận với công việc, bạn chỉ cần dành thời gian đọc sách 2 – 3 lần một tuần.
Đồng thời, bạn có thể bớt lãng phí thời gian vào những thú vui giải trí vô bổ như lướt facebook, xem phim, chơi game,…và đầu tư hơn, “tút tát” lại chính bản thân mình. Vì khi bạn thật sự nghiêm túc và cố gắng với những gì bạn đề ra, những điều tốt đẹp sẽ tự “mày mò”, tìm được và ở lại với bạn.
Bạn không tiến ắt sẽ bị giật lùi, xã hội luôn có sự đào thải trong từng giây từng phút. Vì vậy hãy thử tìm hiểu lý do thực sự khiến tình trạng đó xảy ra liên tục với mình và tìm ra biện pháp thực sự để giải quyết nó. Có hai thứ trên đời này không bao giờ có thể lấy lại là thời gian và cơ hội. Hãy trân trọng thời gian, tận dụng nó, đừng cống hiến cho các anh “nỗ lực ảo” để rồi một ngày khi cơ hội đến, ta lại chẳng có năng lực và tự tin để đón bắt.
Chúc các bạn thành công!